Trang chủ Tin tứcTin trong nước Xử nghiêm hành vi “găm, ém” xăng dầu

Xử nghiêm hành vi “găm, ém” xăng dầu

bởi Linh

Trước thời điểm kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tháng 9, thị trường xăng dầu trong nước đã xuất hiện những bất ổn. Nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra vấn đề về nguồn cung như đầu năm 2022.

Cây xăng hết hàng, bộ nói đủ nguồn cung

Tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, thông báo hết hàng tái diễn tại một số tỉnh khu vực phía Nam. Thông tin trên báo chí, ông Huỳnh Ngọc Hồ, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang, cho biết tính đến ngày 30-8, đã có 40 cơ sở xăng dầu trên địa bàn tỉnh thông báo hết xăng với lý do nguồn cung hạn chế, hoạt động thua lỗ… Một số tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng… cũng xảy ra tình trạng đóng cửa khi nguồn cung nhỏ giọt, càng bán càng lỗ.

Thực tế đã có tình trạng khan hiếm nguồn cung, các cửa hàng bán lẻ khó nhập hàng để bán. Như Báo Người Lao Động phản ánh, đang cao điểm vụ cá Nam nhưng nhiều chủ tàu tại tỉnh Bình Thuận không thể mua được dầu để ra khơi. Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn về bảo đảm nguồn cung xăng dầu mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Ông Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính, cho rằng thời gian qua có phản ánh mức chiết khấu doanh nghiệp (DN) đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở mức 0 đồng. Vì vậy, khi cộng các chi phí mặt bằng, vận chuyển, thuê nhân viên… thì đại lý lỗ khoảng 1.000 đồng/lít xăng. Bên cạnh đó, các đại lý cũng gặp khó khăn trong nhập hàng thời điểm này. Cũng theo chuyên gia này, sắp tới kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tháng 9, nhiều dự báo cho thấy giá trong nước sẽ được điều chỉnh tăng nên xảy ra tình trạng “găm hàng chờ tăng giá”. Hơn nữa, kỳ điều hành tới rơi vào kỳ nghỉ lễ 2-9, có thể lùi đến ngày 5-9, sẽ gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu, tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.

Về việc nguồn cung được bộ quản lý ngành khẳng định không thiếu nhưng cửa hàng không có hàng để bán, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng có thể về tổng nguồn cung không thiếu nhưng mỗi đại lý chỉ được nhập hàng của một đầu mối, nếu một đầu mối thiếu hụt nguồn cung thì các đơn vị trong hệ thống đó cũng rơi vào tình cảnh thiếu hàng.

Xử nghiêm hành vi găm, ém xăng dầu - Ảnh 1.

Nhân viên cây xăng Petrolimex trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM đổ xăng cho khách Ảnh: Hoàng Triều

Rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn

Nhận thấy có bất cập trong việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thành lập khẩn 3 đoàn công tác do các thứ trưởng của bộ làm trưởng đoàn để kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các vi phạm như dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét những kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các DN về việc nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ, hoạt động.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết đã chỉ đạo QLTT 63 tỉnh, thành, đặc biệt là các cục QLTT khu vực miền Nam, tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng tại khu vực phía Nam có biểu hiện găm hàng, không bán. “Trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các cục QLTT phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền” – ông Nguyễn Hữu Linh yêu cầu.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, do mỗi đơn vị bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một đầu mối, có thể tiềm ẩn những rủi ro gián đoạn nguồn cung khi xảy ra sự cố, vì không thể nhập hàng từ đầu mối khác. TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh việc cho phép cửa hàng bán lẻ có thể lấy hàng từ nhiều đầu mối là hợp lý, sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các đầu mối vừa bảo đảm sự ổn định của nguồn cung. Tuy nhiên, vấn đề này cần được đánh giá kỹ, có giải pháp kỹ thuật phù hợp để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng xăng dầu.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, nếu không điều hành linh hoạt thì DN nhập khẩu sẽ lỗ. “Khi kinh doanh lỗ, DN hạn chế bán ra dẫn tới ảnh hưởng sự ổn định của thị trường” – ông Long nói.

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nếu khoảng cách giữa các kỳ điều hành được rút ngắn hơn so với 10 ngày như hiện nay thì giá trong nước sẽ bám sát thị trường thế giới hơn, tăng hoặc giảm kịp thời, từ đó hạn chế những bất cập về nguồn cung. Ông cũng đề xuất cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc, quy định về nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức tối thiểu… nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung mặt hàng quan trọng này. 

Nâng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu

Ngày 31-8, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước – Bộ Công Thương thường kỳ tháng 8-2022, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu, tổ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm