Ngày 29-8, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-9.
Nghiêm khắc hơn với luật sư
Tại họp báo, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao, nói thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng. Qua đó, đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể. Do đó, việc ban hành pháp lệnh là cần thiết.
Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 nhóm hành vi. Thứ nhất là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, gồm hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng,… Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, gồm hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của tòa án… Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Đáng chú ý, theo quy định tại pháp lệnh, ở một số hành vi, nếu luật sư vi phạm sẽ phải chịu mức chế tài cao hơn những đối tượng khác. Cụ thể, các hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền 5-15 triệu đồng. Cùng hành vi này, luật sư sẽ bị xử phạt từ 15-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, pháp lệnh quy định người tham gia tố tụng (trừ luật sư) tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền 4-8 triệu đồng. Cùng với hành vi này, luật sư sẽ bị phạt từ 8-15 triệu đồng.
Lý giải về điều này, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết sở dĩ quy định như vậy vì luật sư là người am hiểu pháp luật, tham gia tố tụng để đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, do vậy yêu cầu khắt khe hơn về việc tuân thủ và tôn trọng pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp đặc thù của mình tại phiên tòa, phiên họp. “Chúng tôi đã đánh giá rất kỹ về việc xử phạt luật sư nặng hơn các đối tượng khác nếu có cùng hành vi vi phạm” – ông Nguyễn Trí Tuệ cho hay. Đối với việc luật sư vi phạm có bị tước giấy phép hành nghề hay không, ông Tuệ cho biết sẽ xử lý theo Nghị định 82 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Điều 23 của pháp lệnh quy định ghi âm lời nói, hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý sẽ bị xử phạt từ 7 đến 15 triệu đồng Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Sớm có hướng dẫn việc xin phép ghi âm, ghi hình
Tại họp báo, các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm, đặt vấn đề về việc báo chí tác nghiệp tại phiên tòa sẽ phải xin phép việc ghi âm, ghi hình như thế nào vì đây là hoạt động không thường xuyên khi tác nghiệp? Việc đồng ý cho phép ghi âm, ghi hình của chủ tọa phiên tòa hay những người tham gia tố tụng là bằng văn bản hay hình thức nào khác?
Trả lời, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao nhấn mạnh việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý để bảo đảm quyền con người. Theo ông Tuệ, báo chí có quyền của báo chí nhưng người khác cũng có quyền của công dân. “Việc này luật đã quy định chứ không phải chúng tôi vẽ ra để làm khó cơ quan báo chí” – ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh. Ông Nguyễn Trí Tuệ thừa nhận chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xin phép ghi âm, ghi hình của phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa và cho biết tới đây sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc này.
Đồng tình với việc cần có hướng dẫn cho phóng viên khi trong quá trình tác nghiệp tại phiên tòa, luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là hoạt động tác nghiệp của báo chí ở các phiên tòa xét xử công khai. Các quyền của nhà báo cũng được quy định rõ trong Luật Báo chí. Luật sư Bùi Anh Tuấn cho rằng nếu tại một phiên tòa công khai, việc phóng viên xin phép ghi âm, ghi hình của tất cả những người có mặt trong phòng xử là rất khó khăn, tốn thời gian và phiền phức. Chính vì vậy, khi pháp lệnh có hiệu lực, cần thiết phải có hướng dẫn về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa để bảo đảm quyền tác nghiệp, hoạt động của báo chí.
Cũng bày tỏ băn khoăn về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự đồng ý của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa sẽ gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng việc ghi âm, ghi hình diễn biến tại phiên tòa của phóng viên nhằm phản ánh, truyền tải những thông tin trung thực, khách quan theo quy định của pháp luật. Phóng viên khi tham gia các phiên tòa đều đã xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy định để được tác nghiệp, nếu phải xin phép để ghi âm, ghi hình, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình này nhưng cần tạo thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp báo chí.
Theo Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại pháp lệnh có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)