TAND TP HCM chuẩn bị xét xử sơ thẩm bị cáo Diệp Dũng (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM – Saigon Co.op) về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo hình thức xử kín. Cùng ra tòa là 2 bị cáo Nguyễn Hoài Bắc (37 tuổi, cựu cán bộ công tác tại Phòng An ninh kinh tế, Công an TP HCM), Lê Thị Phương Hồng (42 tuổi, kinh doanh tự do), với tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
VKSND giữ nguyên quan điểm tại cáo trạng
Trước đó, tháng 1-2022, TAND TP HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu VKSND TP HCM làm rõ một số nội dung, gồm: bị cáo Diệp Dũng kêu oan, cho rằng không có hành vi phạm tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”; yêu cầu xác định các tài liệu nào thuộc độ mật, độ tối mật theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 29-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để có căn cứ truy tố; làm rõ bản kiến nghị của các luật sư bào chữa cho bị cáo.
Theo hồ sơ, Nguyễn Hoài Bắc là thành viên tổ công tác xác minh các sai phạm tại Saigon Co.op. Bắc đã đem một số tài liệu thu thập được về nơi sinh sống với bà Hồng và có nhắn tin trao đổi với Hồng liên quan quá trình xác minh vụ án.
Bằng nhiều cách khác nhau (nhắn tin hỏi, chụp ghi chép, theo dõi điện thoại…), Hồng hiểu về tiến trình công việc của Bắc và chủ động liên hệ, báo tin cho ông Diệp Dũng bằng điện thoại dù trước đó không quen biết. Lý do, theo lời khai của Hồng, là muốn được mua hàng giá rẻ (Hồng có quầy tạp hóa).
Trong số những tin nhắn Hồng gửi, cơ quan điều tra xác định có nội dung nằm trong tài liệu mật và tối mật.
Sau khi điều tra bổ sung, VKSND TP HCM giữ nguyên quan điểm cáo trạng truy tố ông Diệp Dũng tội danh “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Theo cơ quan này, ông Diệp Dũng là người chịu trách nhiệm chính trong những sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op. Các tin nhắn từ điện thoại của Hồng phù hợp với nội dung tin nhắn thu giữ từ điện thoại ông Dũng. Ông Dũng nhận tin từ Hồng và cung cấp thông tin để Hồng thu thập và báo lại.
“Hành vi của bị can đã xâm phạm chế độ bảo mật nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm xảy ra tại Saigon Co.op mà Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đang thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật. Do đó, cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung” – cáo trạng nêu.
Vụ án ông Diệp Dũng từng nhiều lần điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa
Luật sư kiến nghị xem xét lại bản chất vụ án
Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Diệp Dũng thì cho rằng cần đánh giá bản chất vụ án, hành vi khách quan và nhận thức chủ quan của ông Diệp Dũng; các bằng chứng buộc tội thiếu căn cứ…
Theo bản kiến nghị của tiến sĩ – luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP HCM) gửi các cơ quan pháp luật trước phiên xét xử, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt cóc, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… để chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ở đây, ông Diệp Dũng không có những động thái như vậy; ông này cũng không có khả năng biết đó là mật hay không. Việc nhắn tin là do Hồng chủ động; kiến thức về vụ việc liên quan Saigon Co.op của Hồng lại đến từ việc tiếp nhận thông tin có thật, có giả của Bắc.
Luật sư Phan Trung Hoài cho cho rằng “tài liệu mật” cơ quan điều tra dùng làm căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội không được đưa vào hồ sơ vụ án mà chỉ cung cấp cho tòa nếu có yêu cầu là không đúng quy định pháp luật, làm hạn chế quyền tiếp cận chứng cứ, tài liệu nhằm bào chữa cho ông Diệp Dũng. Những gì Lê Thị Phương Hồng chủ động nhắn cho ông Diệp Dũng không phải là tài liệu bí mật nhà nước…
“Bản chất việc bà Hồng báo tin cho ông Dũng là các thông tin trong giai đoạn giải quyết tin báo tội phạm. Nó cần được hiểu là thông tin thuộc bí mật điều tra; như thế, ông Dũng không liên quan tới tội danh bị truy tố. Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại bản chất vụ án” – luật sư Phan Trung Hoài kiến nghị.
Cần hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Theo quy định của khoản 1, điều 2, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 thì: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác”. Có ba độ mật, gồm: tuyệt mật, tối mật và mật.
Ở tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” (điều 337 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017), người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan, đó là “chiếm đoạt” nhưng với nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật nhà nước, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo người giữ tài liệu bí mật nhà nước; lạm dụng tín nhiệm hoặc lén lút chiếm đoạt các tài liệu bí mật nhà nước, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật nhà nước để chiếm đoạt các tài liệu đó.
Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là do cố ý, tức là khi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy, trước khi truy tố bị can về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, các cơ quan chức năng cần xác định đối tượng tác động của tội phạm có phải là “tài liệu bí mật nhà nước” hay không. Tiếp đó, cần phải xác định người phạm tội có hành vi “chiếm đoạt” hay không.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)